Cây cao su trên đất Lai Châu

Like và chia sẻ bài viết
Sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TU, ngày 05/11/2008 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh đến năm 2015, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, người dân đã tích cực tham gia góp đất, khai hoang, trồng và chăm sóc cây cao su. Tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cây cao su thành vùng hàng hóa tập trung quy mô lớn, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, thay đổi tập quán sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, từng bước ổn định và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trong vùng trồng cây cao su góp phần tích cực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Sau khi khảo sát, đánh giá, nhận thấy cây cao su phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, tỉnh Lai Châu đã quy hoạch các tiểu vùng phát triển vùng cao su đại điền. Để đạt được mục tiêu phát triển cây cao su đại điền, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã lãnh, chỉ đạo và huy động hàng nghìn lượt cán bộ, đoàn viên thanh niên tình nguyện, hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ, lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ… tham gia cùng Công ty Cổ phần cao su Lai Châu thực hiện trồng cây cao su; mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây cao su cho hàng nghìn lượt người.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chỉ đạo các Công ty Cao su trên địa bàn tỉnh chủ động trong việc bố trí lực lượng lao động, đào tạo lao động tay nghề; ưu tiên tuyển dụng lao động của các hộ gia đình góp đất trồng cây cao su; tổ chức khoán chăm sóc, bảo vệ vườn cây cao su cho các hộ gia đình, đồng thời sử dụng lao động hợp đồng theo mùa vụ, thuê khoán nhân công tại chỗ và hợp đồng với lực lượng lao động khác. Do đó, tận dụng được nguồn đất đai lớn, nguồn lao động tại chỗ dồi dào, đồng thời áp dụng được các tiến bộ về khoa học công nghệ mới vào sản xuất. Đến thời điểm này, tỉnh Lai Châu đã trồng được trên 12.800 ha, cây sinh trưởng phát triển tốt, được đánh giá không thua kém so với vườn cây của vùng cao su lớn ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Vườn cao su đến tuổi cho khai thác mủ.
Những diện tích cao su đã trồng từ năm 2008 đến nay đã phát triển tốt, tạo độ che phủ lớn, nhờ đó tăng khả năng giữ nước, chống rửa trôi, xói mòn đất, hạn chế lũ lụt, cải thiện môi trường và là một trong những giải pháp khai thác lợi thế đất đai của khu vực miền núi mang lại hiệu quả cả về mặt kinh tế-xã hội. Qua đó góp phần thay đổi nhận thức, tập quán canh tác truyền thống của người dân, tăng thu nhập và ổn định của Nhân dân trong vùng, đặc biệt là các vùng tái định cư. Kết quả đạt được trong hơn 8 năm triển khai dự án đã tác động tích cực đến đời sống sinh hoạt của người dân địa phương. Việc triển khai trồng cao su trong thời gian qua đã tạo việc làm thường xuyên tại các Công ty cho trên 2.300 lao động, trong đó có trên 90% là người dân tộc thiểu số với mức thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng.

Sau bao tháng ngày vất vả chờ mong, vào trung tuần tháng 10 năm 2016, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã phối hợp với tỉnh Lai Châu tổ chức Lễ khai thác mủ cao su. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã khai thác được trên 107 tấn khô. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta đã có 71,5 ha cao su đến tuổi khai thác. Việc cây cao su cho mủ đã thỏa lòng mong đợi của công nhân cao su và người dân Tây Bắc. Là một công nhân tiêu biểu và cũng là người có nhiều năm gắn bó với cây cao su, anh Vàng Văn Bô, công nhân Nông trường cao su Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ cho biết: Khi cây cao su cho mủ tôi rất vui vì tôi đã có 6 năm gắn bó với cây cao su. Mỗi buổi sáng khi đi kiểm tra, nhìn những ca mủ đầy ắp tôi thấy lòng mình thật ấm áp. Do được công ty tập huấn, đào tạo nhiều nên tôi đã có kỹ thuật cạo mủ cao su. Tôi sẽ làm việc tận tâm và trách nhiệm để khai thác được sản lượng mủ nhiều nhất.
 
Niềm vui của các thiếu nữ dân tộc khi cây cao su cho mủ.
Theo ông Đỗ Ngọc An, Phó Bí thư Tỉnh ủy-Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển cao su đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt quy chế phối hợp công tác giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy với Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; thỏa thuận hợp tác toàn diện giữa UBND tỉnh Lai Châu và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho Nhân dân vùng trồng cây cao su về mục đích, ý nghĩa của việc phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh; vận động Nhân dân tham gia góp đất trồng cây cao su, chăm sóc và bảo vệ  tốt diện tích cao su hiện có; đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào công tác trồng, chăm sóc, cạo mủ cây cao su theo hướng giảm chi phí và tăng hiệu quả sản xuất. Đẩy mạnh việc đo đạc, quy chủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ký hợp đồng góp đất cho các hộ gia đình đã tham gia góp đất trồng cây cao su; ưu tiên tuyển dụng lao động là người địa phương vào làm công nhân trực tiếp chăm sóc, khai thác, chế biến mủ cao su; phối hợp với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đầu tư triển khai xây dựng 02 nhà máy chế biến với dây chuyền công nghệ hiện đại, đảm bảo chế biến mủ cao su đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và bảo vệ môi trường tại xã Nậm Tăm và Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân của các Công ty Cao su trên địa bàn tỉnh.

Hiện trên địa bàn tỉnh, cây cao su đang sinh trưởng, phát triển tốt, công nhân và người dân cần tích cực chăm sóc những diện tích cây cao su đã có để cây cho sản lượng mủ cao. Giá mủ cao su trên thị trường đang tăng đây là tín hiệu vui đối với người trồng cao su, mong rằng cây cao su sẽ là cây công nghiệp cho giá trị kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Lai Châu./.

Hàn Giang -
Nguồn: http://thongtindoingoai.laichau.gov.vn
Viết và chia sẻ bình luận:
Like để cập nhật các bài viết qua facebook. Cảm ơn bạn đã ghé thăm, ủng hộ!
    Blogger Comment
    Facebook Comment